Nghe giới thiệu về tác dụng của nấm linh chi, chị Lê Thanh từ Vũng Tàu lên TP Hồ Chí Minh tìm mua nấm linh chi về cho người chồng đang có những dấu hiệu về bệnh gan sử dụng. Đến Chợ Đông Nam dược ở Q.5, chị được những người bán giới thiệu rất hay về loại nấm đang có bán. Không đắn đo, chị bằng lòng bỏ ra 1 triệu đồng để mua 4 kg linh chi, loại còn nguyên tai nấm.
Theo lời chỉ dẫn của những người bán nấm, chị về sắc cho chồng uống, sau gần một tháng dùng nước nấu linh chi, chồng chị không những không khỏe ra mà còn có biểu hiện mệt thêm và trên da có xuất hiện những mẩn đỏ bất thường. Đưa chồng đến bệnh viện khám, bác sỹ kết luận: bị dị ứng. Chị Thanh ôm gói nấm mua về đi hỏi các chuyên gia, mới hay đó là linh chi giả.
Trong vai người có nhu cầu mua linh chi, người viết bài này tìm đến khu vực bán đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Các loại nấm được gọi là linh chi chứa đầy trong những bao tải, giỏ nhựa và xếp chất chồng ở các cửa hàng. Hầu hết các chủ cửa hàng cũng đều xác nhận không có loại nấm linh chi nhập từ Nhật Bản, chỉ có loại linh chi Nhật Bản được trồng ở Việt Nam.
Lý do, linh chi Nhật Bản có giá quá cao, khoảng 8 triệu đồng/kg, nên không thể tiêu thụ được. Tuy nhiên, một số nơi vẫn rao bán linh chi Nhật Bản với giá chỉ 600.000-700.000 đồng/kg.
Một vài công ty trong nước lại đóng gói linh chi Trung Quốc đã được xắt lát hoặc còn nguyên rồi dán nhãn mác công ty mình để bán với giá 400.000-750.000 đồng/kg. Nhiều loại nấm linh chi nhập từ Trung Quốc về có chất lượng kém, thậm chí bị coi là rác dược liệu. Loại này thường bị mọt đục, có nấm bệnh dễ gây dị ứng cho người uống.
Trên thị trường cũng có nhiều loại nấm được cho là linh chi thu lượm ở trong rừng tự nhiên. Các cửa hàng dược liệu trên các con đường Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng… (Q.5, TPHCM) đều có giới thiệu và bán các loại nấm linh chi rừng với kích cỡ to nhỏ khác nhau. Nhìn bề ngoài, loại nấm này giống như khúc gỗ mục. Chúng có giá từ 60.000 -100.000 đồng/kg.
Theo Thạc sĩ Cổ Đức Trọng - thành viên Hiệp hội Nấm dược liệu quốc tế, đa phần các loại nấm rừng này không phải là linh chi. Tuy nhiên, để biết đích xác thật giả phải qua thực hiện các xét nghiệm bằng các thiết bị chuyên dùng. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng linh chi dựa vào hàm lượng một số hoạt chất, như acid ganoderic, trong khi đó hiện Việt Nam vẫn chưa có mẫu chuẩn của các chất này để làm phân tích, xét nghiệm. Vì vậy, chất lượng nấm linh chi vẫn còn bị thả nổi.
LIHCHI.NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét